Tên gọi Hưng Hóa Hưng Hóa (tỉnh)

Biên giới Việt Nam-Trung Quốc vào đầu nhà Thanh Trung Quốc (khoảng 1650), trong đó đoạn phía tây là biên giới giữa xứ Hưng Hóa Đại Việt với tỉnh Vân Nam Đại Thanh, so với biên giới Việt Nam-Trung Quốc ngày nay.Biên giới Việt Nam-Trung Quốc vào đầu nhà Thanh Trung Quốc (năm 1740), trong đó đoạn phía tây là biên giới giữa xứ Hưng Hóa Đại Việt với tỉnh Vân Nam Đại Thanh.

Tiền thân của tỉnh Hưng Hóa là đạo thừa tuyên Hưng Hóa, rồi trấn Hưng Hóa. Hưng Hóa nguyên là đạo Đà Giang thời nhà Trần gồm 2 phủ Quy Hóa (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, vùng đất bờ trái sông Hồng) và Gia Hưng (Sơn La (Mộc Châu, Yên Châu, Phù Yên, Mai Sơn, Thuận Châu), Hòa Bình, vùng đất hạ lưu sông Đà và giữa sông Đà và Sông Mã). Đến năm 1431, Lê Lợi thu phụ Đèo Cát Hãn, có thêm châu Phục Lễ (Mường Lễ), vùng thượng lưu sông Đà do Đèo Cát Hãn cai quản, từng là châu Ninh Viễn của Vân Nam, nhập về. Châu Phục Lễ là đất căn bản của phủ An Tây xứ Hưng Hóa gồm 10 châu (Lai Châu, Luân Châu, Quỳnh Nhai, Chiêu Tấn, Khiêm Châu, Tuy Phụ, Hoàng Nham, Hợp Phì, Tung Lăng, Lễ Tuyền).

Tháng 6 âm lịch Năm Quang Thuận thứ bảy (1466), vua Lê Thánh Tông đặt 13 đạo thừa tuyên là Thanh Hóa, Xứ Nghệ An, Thuận Hóa, Thiên Trường, Nam Sách, Quốc Oai, Bắc Giang, An Bang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, phủ Trung Đô và Hưng Hóa.

Đây là lần đầu tiên từ "Hưng Hóa" được nhắc tới trong sử sách Việt Nam ở cấp một đơn vị hành chính (gần như cấp tỉnh ngày nay). Tuy nhiên, từ Hưng Hóa đã được nhắc tới từ những năm 1419 như là một xứ. Đạo thừa tuyên Hưng Hóa bao gồm đất đai thuộc các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ ngày nay, cùng một phần lãnh thổ Lào (thuộc các tỉnh Hủa Phăn, Xầm Nưa) và một phần tỉnh Vân Nam Trung Quốc hiện nay. Không biết chính xác ai là người đầu tiên thay mặt vua cai quản đạo thừa tuyên này. Tuy nhiên, sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép:

Năm Quang Thuận thứ tám 1467...tháng ba... lấy Hưng Hóa thừa tuyên sứ tham nghị Nguyễn Đức Du làm ngự sử đài thiêm đô ngự sử; tri phủ Quy Hóa Nguyễn Thúc Thông làm Hưng Hóa thừa tuyên sứ tham nghị.[1]

Như vậy, có thể ông Nguyễn Đức Du là người đầu tiên cai quản vùng đất có tên gọi khi đó là thừa tuyên Hưng Hóa. Năm 1469, vua Lê Thánh Tông chia đạo thừa tuyên Hưng Hóa thành 3 phủ gồm 4 huyện, 17 châu. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết rằng:

  • Phủ Quy Hóa quản lĩnh 3 huyện: Trấn Yên, Yên Lập, Văn Chấn và 2 châu: Văn Bàn, Thủy Vĩ.
  • Phủ Gia Hưng quản lĩnh 1 huyện: Thanh Xuyên và 5 châu: Phù Hoa, Mộc Châu, Việt Châu (Yên Châu), Mai Châu, Thuận Châu (Mường Mỗi). Giữa thời Hậu Lê, chia nhỏ Thuận Châu ra làm 4, một phần vẫn giữ làm Thuận Châu, tách thêm 3 châu Tuần Giáo, Mai Sơn và Sơn La. Đến năm 1775, phủ Gia Hưng được quy nạp thêm xứ Mường Thanh (châu Ninh Biên) vốn do Hoàng Công Chất chiếm cứ trước đó. Cũng khoảng lúc đó chia châu Mộc làm 3 châu: Mộc Châu, Đà Bắc, Mã Nam.
  • Phủ Yên Tây quản lĩnh 10 châu: Luân Châu (Mường Báng), Quỳnh Nhai (Mường Chăn), Lai Châu (Mường Lễ), Chiêu Tấn (Mường Thu), Lễ Toàn (Lễ Tuyền), Hoàng Nham, Tuy Phụ, Hợp Phì, Tung Lăng (Quảng Lăng) và Kiêm Châu (Châu Khiêm). Phủ An Tây (Phục Lễ) nằm kẹp giữa 2 phủ Gia Hưng và Quy Hóa.

Năm Hồng Đức thứ 21 (1490) đổi là xứ Hưng Hóa. Đời Hồng Thuận (1509-1516) trở thành trấn Hưng Hóa. Đến năm 1831 là tỉnh Hưng Hóa.

Theo Lê Quý Đôn: Châu Tuy Phụ (綏阜) thổ âm gọi là Mường Tè (芒齊) có 2 động là: Nậm Mạ và Nậm Lân. Châu Hoàng Nham (黃岩) thổ âm gọi là Mường Tông (Mường Toong), có 2 động là: Ngà và Mỏ Sạch. Động Ngà có mỏ Vàng còn Mỏ Sạch là đất mỏ sắt. Châu Tung Lăng (嵩陵) thổ âm gọi là Phù Phang, có 3 động là: Cống Võng, Nậm Cảm và Suối Vàng. Châu Khiêm (謙州) thổ âm gọi là Mường Tinh (Nay không rõ ở đâu, nhưng có thể là Mường Tía (M.Tía) nằm phía phải sông Đà (bờ Nam) khoảng giữa Mường Toong và Mường Lễ. Cũng có thể là M.Boum và M.Mo (bờ trái sông Đà nay khoảng xã Bum Nưa, Bum Tở huyện Mường Tè nằm giữa xã Mường Toong (Hoàng Nham xưa) và thị xã Mường Lay (Mường Lễ xưa), theo đoạn viết về sông Đà bên dưới). Châu Lễ Tuyền (醴泉) thổ âm gọi là Mường Bẩm (có thể là mường Boum (M.Boum), nhưng cũng có thể là địa danh M.Léo (gần Ki Ma Pa (骑马坝)) trong bản đồ Bắc Kỳ năm 1902 mà nay là khoảng hương Bán Pha (半坡) huyện Lục Xuân châu Hồng Hà tỉnh Vân Nam Trung Quốc). Châu Hợp Phì (合淝) thổ âm gọi là Trình Mi (呈眉) (tức là Mường Mì[2] hay Xiềng My, nay là hương Giả Mễ (者米乡, Zhe-mi-xiang) huyện Kim Bình châu Hồng Hà tỉnh Vân Nam). Châu Quảng Lăng (廣陵), (khác với Tung Lăng), thổ âm gọi là Mường La (nay là hương Mường Lạp, Meng-la-xiāng (勐拉乡) huyện Kim Bình châu Hồng Hà tỉnh Vân Nam Trung Quốc), có 3 phố người Hoa là: Hồ Quảng, Quảng Tây và Khai Hóa, nằm bên dưới 6 châu kể trên và bên trên châu Chiêu Tấn. (Quan niệm trên dưới của Lê Quý Đôn có lẽ là theo hướng đường bộ đi từ Mường Thu (Chiêu Tấn) qua Quảng Lăng mới đến 6 châu kể trên.) Cả bảy châu này (6 châu tên Việt Nam, 1 châu tên Trung Quốc) đến thời Lê Quý Đôn đều mất về Trung Quốc.[3] Riêng về châu Quảng Lăng, Lê Quý Đôn viết: "Châu Quảng Lăng thổ âm là Mường La, bên trái sông Kim Tử (Trung Quốc) và ở phía trên châu Chiêu Tấn, đi từ Mường Thu phải 2 ngày, từ Văn Bàn phải 6 ngày, từ Kinh ra đi phải 26 ngày. Trước châu này bị viên huyện Kiến Thủy (Trung Quốc) chiếm riêng, đến nay (năm Đinh Dậu niên hiệu Cảnh Hưng) đã 93 năm,..." Như thế châu Quảng Lăng (tên châu Trung Quốc) đã mất về Trung Quốc khoảng những năm 1684 niên hiệu Chính Hòa nhà Lê, và Khang Hy nhà Thanh.

Mặt khác, Lê Quý Đôn viết về sông Đà như sau:"... Sông Đà ở về bên trái sông Mã, phát nguyên từ châu Ninh Viễn tỉnh Vân Nam Trung Quốc, chảy đến bên phải chỗ ngã ba thuộc huyện Kiến Thủy,... (Đoạn này Quý Đôn nói về sông Mê Kông và nhầm 2 sông thông với nhau) ..., về đường chính có một chi chảy xuống làm thành sông Hắc Thủy, chảy qua Tuy Phụ (Mường Tè), Hoàng Nham (Mường Tông), Khiêm Châu đến Mường Lễ thuộc Lai Châu nước ta. Về bên trái là sông Na, từ sông Kim Tử (Kim Thủy Hà (金水河)) châu Quảng Lăng (Mãnh Lạp (勐拉, Meng La)) chảy đến hội tụ, đấy là sông Đà, nước sông trong suốt, chảy xuống các động Phù Tây, Hảo Tế thuộc châu Quỳnh Nhai,..."[4]

Các địa danh vùng biên giới tây bắc giữa tỉnh Hưng Hóa (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) vào đầu thế kỷ 20, được cho là 7 châu (trừ Chiêu Tấn) Việt Nam mất về Trung Quốc: Mường La-Quảng Lăng, Mường Tè-Tuy Phụ, Mường Tong-Hoàng Nham, Phong Thổ-Chiêu Tấn, Mường Boum hoặc M.Léo-Lễ Tuyền, Tché My (Xiềng My)-Hợp Phì, Khiêm Châu - Mường Tinh (M.Tía), Tung Lăng - Phù Phang (Pou Fang gần Mường Nhé (M.Nhié)) hoặc Quảng Lăng (Ta Leng Po).